image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Nét đẹp trong kiến trúc công trình Miếu Ngà
Lượt xem: 31
Nét đẹp trong kiến trúc công trình Miếu Ngà

Người dân Việt Tiến luôn tự hào về công trình kiến trúc Miếu Ngà. Miếu Ngà được xây dựng khá sớm, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Mặt tiền quay hướng Bắc. Phía trước xưa kia có dòng sông Giếc được đào từ thời nhà Mạc chảy qua, nay là hồ rộng, nước trong veo. Theo thuyết phong thuỷ, đó chính là nơi tụ thuỷ, kết phúc của làng. Tương truyền mới đầu Miếu chỉ là một toà kiến trúc nhỏ bé, khiêm nhường, sang đến thời Nguyễn (1802 - 1945) mới được mở mang, bề thế, khang trang gồm 05 gian cung ngoài, 05 gian cung trong và 02 gian cung cấm. Các toà nhà bố cục theo kiểu “Tiểu nhất hậu đinh”. Miếu được nhân dân trong vùng suy tôn là một trong cõi linh thiêng nổi tiếng của huyện Vĩnh Lại xưa, Vĩnh Bảo ngày nay. Đây là công trình tưởng niệm tôn thờ Nguyễn Chính từ một thi hào trở thành một danh tướng tài ba, quả cảm của quân đội nhà Trần (1226-1400) đã có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông.

Nhưng tiếc thay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp hai toà Miếu trong và Miếu ngoài bị phá huỷ hoàn toàn chỉ còn lại những móng, nền nhấp nhô như một sự mách bảo về quy mô của công trình xưa. Sau này địa phương xây thêm một gian kéo dài chuỗi về (cung cấm) của toà Miếu cổ để bảo tồn di tích cha ông. Miếu Ngà hiện nay gồm ba gian nhà dọc bao quanh là xóm thôn đông đúc đang hàng ngày hàng giờ bị cuộc sống đời thường lấn át.

Miếu quay hướng bắc như một lời nhắn nhủ về bài học cảnh giác với kẻ thù, trước Miếu có dòng sông Giếc hay còn gọi là sông Lang chạy qua được đào từ thời nhà Mạc (1427 - 1592) làm nhiệm vụ “dẫn thuỷ nhập điền” tưới nước mát cho đồng rộng lớn, thẳng cánh cò bay, xa xa là dòng Luộc giang uốn khúc lững lờ trôi. Điều đáng buồn, cảnh quan xưa của toà miếu cổ không còn để lại một dấu tích gì . Mặt trước xây tường gạch kiểu Tam sơn, trổ 03 cửa đi lại. Cửa giữa lớn, phía trên sang gạch hình vòm cuốn. Hai cửa bên nhỏ hơn, hình chữ nhật dọc. Mặt ngoài tường phía trước đắp nổi một số đồ bát bửu trang trí như đàn tì hòm sách và bút đều có giải lụa hình lá cây thắt buộc, hai bên nhà xây tường gạch cho kín, cao sát mái ngói. Hồi dốc xây theo lối bổ trụ giật nhị cấp, đỉnh trụ đắp đấu vuông thót đáy, bờ nắp đắp bằng vôi vữa đổ trơn không trang trí, mái lợp ngói mũi mỏng rêu phong cổ kính.

Toà nhà đứng vững trên ba hệ vì kèo gỗ lim. Mỗi vì kèo gồm 04 hàng chân cột (hai cột cái và hai cột quân). Các cột được kẻ trên chân tảng đá, phía trên tạo hình đôn, phía dưới vuông, có tác dụng chống lún và mối mọt, hoành mãi bảo vuông thành sắc cạnh, dàn đều trong các khoảnh.

Vì thứ nhất: có cấu trúc kiểu vì cốn mê bằng ván gỗ dầy, cạnh bên tam giác “cốn mê” khoét lõm đỡ các hoành mái, đỉnh cốn mê vì nóc đỡ xà nóc. Nối hai đầu cột quân, chui qua thân cột cái là một quá giang lớn, song song với câu đầu. Dưới quá giang và trên xà ngưỡng lắp hệ thống cửa gỗ che kín cung cấm, tạo cho lòng nhà tối, tăng thêm sự hư ảo cho cõi linh. Mặt ngoài vì cốn mê chạm nổi long mã đi trên mây cụm, lưỡng long chầu nguyệt. Đầu rồng và đầu long mã nổi khối lớn như được gắn từ ngoài vào.

Ví thứ 2: Vì nóc có kết cấu “Thuận chồng đốc thước” và vì dưới kiểu “Chồng rường con nhị” quen thuộc. Các bộ phận kiến trúc để trơn không trang trí gì.

Vì thứ 3: Vì nóc được làm theo kiểu “Kèo suốt trụ chống” đơn giản và vì dưới là kiểu “Chồng rường con nhị”. Cái đặc biệt của vì kèo thứ 2 và vì thứ 3 ở miếu Ngà là các bộ phận kiến trúc như cột, câu đầu, xà thượng, xà hạ, rường... đều bào vuông thành sắc cạnh, theo lối “Bào trơn đóng bén”.

Miếu Ngà hiện nay vốn là hậu cung của một ngôi Miếu lớn cho nên về mặt kiến trúc ít nhiều còn giữ được những đường nét của phong cách truyền thống, song chỉ là cung cấm nơi an toạ của thần vị và quanh năm hầu như không có ánh sáng rọi tới nên không có điều kiện phô diễn vẻ đẹp của kiến trúc, vì thế người xưa không thể hiện trang trí kiến trúc nhiều. May mắn thay nền móng của công trình cũ được giữ lại khá nguyên vẹn và nó sẽ cùng với các toà miếu ngày nay giúp cho các thế hệ sau những điều kiện cần thiết để tôn tạo trùng tu di tích của người xưa.

btvxaviettien
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới