Nét đẹp được giữ gìn trong Trò chơi dân gian cổ truyền của dân tộc - trò chơi Pháo đất
Nét đẹp được giữ gìn trong Trò chơi dân gian cổ truyền của dân tộc - trò chơi Pháo đất
Việt Nam là một nước giàu truyền thống văn hóa với những giá trị đời sống tinh thần rất đa dạng phong phú. Trong đó, những trò chơi dân gian cũng được xem như là những nét đẹp văn hóa làm nên bản sắc cho dân tộc Việt Nam. Một trong những trò chơi thú vị và khá phổ biến là trò chơi pháo đất. Ngày nay trò chơi pháo đất vẫn còn được lưu giữ và phổ biến ở Vĩnh bảo.
Về Vĩnh Bảo nói đến pháo đất từ già đến trẻ ai cũng mến mộ bởi sự mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên như chính con người của Vĩnh Bảo.
Trò chơi Pháo đất rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng bắc bộ, ở mỗi nơi lại có cách chơi, hình thức chơi khác nhau. Nhưng ở Vĩnh Bảo pháo đất được chia thành các nhóm: Pháo thuyền có xương được chơi chủ yếu ở các xã Tân Liên, Việt Tiến, Vĩnh An, Giang Biên; pháo thuyền không xương ở xã Thắng Thủy; pháo đơn ở các xã: Hiệp Hòa, An Hòa, Hùng Tiến, Trung lập, Vĩnh Long; pháo tép ở xã Hưng Nhân. Tuy nhiên trò chơi pháo thuyền có xương là trò chơi thu hút hơn cả bởi tính độc đáo trong cách chơi và luật lệ chơi. Theo đó cách chơi và luật lệ chơi ở mỗi loại hình cũng khác nhau, pháo thuyền có xương thi đấu 3 tung và 3 úp; pháo thuyền không xương thi đấu 03 gieo, 03 đập, 03 giềng; pháo đơn thi đấu 03 gieo, 03 đập; pháo tép thi đấu 03 gieo. Trước đây mỗi khi bà con nông dân thu hoạch lúa mùa xong vào trung tuần tháng 8 khi nông nhàn thì sẽ tổ chức trò chơi pháo đất, nhưng giai đoạn hiện nay trò chơi này kéo dài cả năm khi nào nhàn rỗi là có thể chơi được, tuy nhiên tháng 8 âm lịch tổ chức trò chơi pháo đất vẫn là phù hợp nhất bởi tiết trời mát mẻ, khô khan.
Về các xã Tân Liên, Việt Tiến, Vĩnh An, Giang Biên vào những ngày tháng 8 âm lịch chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp và được chiêm ngưỡng, trải nghiệm trò chơi dân gian cổ truyền này.
Tại các hội thi, pháo đất được làm ra rất to với cái tên là diệc pháo vì nó được tạo thành từ 20-50kg đất sét (hoặc đất thịt) tùy theo sức mang của người chơi. Khi chơi cần nắm được kỹ thuật làm pháo đất. Điều quan trọng trong làm pháo đất là đòi hỏi sự tập trung cao độ, tỉ mỉ và cẩn trọng. Đất làm pháo chất lượng là đất sét màu xám chì, có độ dẻo cao, ít dính tay, chân.
Để làm pháo đất nổ được to và đườn pháo được dài mà không bị đứt đoạn thì cũng đòi hỏi người chơi thuần thục kỹ năng tung pháo và úp pháo. Để pháo nổ được, và có số đo dài người cầm pháo phải gieo pháo xuống sân chơi sao cho vành pháo tiếp xúc đều với bề mặt sân chơi. Khi làm như vậy áp suất cao của không khí trong lòng pháo khi bị nén sẽ phá vỡ sự liên kết giữa manh pháo và mề pháo tạo thành tiếng nổ và đườn pháo duỗi ra không bị đứt đoạn.
Sau khi hiệu lệnh bắt đầu, các đội thi sẽ trình diễn kỹ năng làm pháo của mình. Đầu tiên sẽ dùng ngón tay cái làm trụ, ngón giữa xoay rồi dùng tay còn lại vừa giữ vừa vuốt tạo thân pháo hình bầu dục, vừa vặn, vừa vuốt mép cho nhẵn, phẳng. Dùng con trỏ làm cữ, tay kia vừa bấm đất để tạo đườn pháo.. Khi pháo được làm xong thì cần thêm 2-3 người hộ tống đỡ pháo lên tay cho người quăng. Khi pháo rơi gây ra tiếng nổ và manh pháo bung ra. Trọng tài sẽ đo độ dài của manh pháo tính bằng mét . Phần thưởng của trò chơi thường đơn giản và mang giá trị tinh thần nhiều hơn. Tuy nhiên người được giải cao sẽ được vang danh tên tuổi về kỹ năng làm pháo đất bởi khâu làm pháo đất đòi hỏi người làm phải thuần thục, tỉ mỉ, người tung pháo hay úp pháo phải có 1 kĩ năng một cách thuần thục và chính xác.
Sinh hoạt văn hóa đã, đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn cũng như mang lại niềm vui, giá trị tinh thần cho con người Việt Nam ta. Chúng ta hãy giữ gìn và phát huy nét đẹp của trò chơi pháo đất nói riêng và các trò chơi dân gian khác nói chung để đất nước Việt Nam không chỉ phát triển hội nhập mà vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.




0:07 / 0:34
Chia sẻ